Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Lễ hội đền Đuỗm

2020-01-20 08:47:00.0

 

Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tương truyền, vào thời Lý, tướng Dương Tự Minh đến đây ở, khi ngài mất dân địa phương lập đền thờ trên sườn núi Đuổm.

Dương Tự Minh là người Tày, sinh ra và lớn lên ở Quan Triều, dưới thời ba đời vua nhà Lý là: Lý Nhân Tông (1072 - 1128), Lý Thần Tông (1128 - 1138), Lý Anh Tông (1138 - 1175) và có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt; Phủ Phú Lương trở thành một vùng phồn thịnh trong hơn ba mươi năm dưới quyền Ông cai quản. Ông được nhà vua hai lần gả công chúa (Thiều Dung và Diên Bình công chúa), phong là “Phò mã lang”. Khi rời khỏi chức vụ thủ lĩnh phủ Phú Lương, ông trở về Điểm Sơn, mất ở đấy và được nhân dân lập đền thờ (có câu “thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu”). Sau khi ông mất, nhà Lý sắc phong cho ông là Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, các đời sau đều phong ông là Cao Sơn Quý Minh.

Nhân dân tôn kính, thần thánh hóa các huyền thoại về Ông trong các tích “Chiếc áo tàng hình”, “Sự tích ao chuông lăn”, “Thánh Đuổm trị tà thần”... nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên quanh vùng núi Đuổm, tô đẹp những phẩm chất cao quý, quyền năng siêu phàm của Ông, là chỗ dựa tinh thần cho người dân trong vùng nói riêng và đồng bào các dân tộc Đông Bắc nói chung.

Tại đền Đuổm một năm có bốn lệ: mùng 6 tháng Giêng Âm lịch là ngày đản sinh của Thánh, 24 tháng Tư là lễ hạ điền, mùng 7 tháng Bảy là lễ thượng điền, 14 tháng Chạp là lễ tất niên (quan trọng nhất là hội mùng 6 tháng Giêng). Để chuẩn bị lễ hội, cộng đồng các dân tộc trong làng cùng Ban quản lý di tích thực hiện nhiều nghi thức, khai thoáng không gian lễ hội, trang phục tế lễ,….

+ Chuẩn bị về địa điểm tổ chức: trước ngày lễ, những người trông coi nơi đây tiến hành lau kiệu, ban thờ, dọn dẹp trong các di tích, cắt tỉa cây cối… Dân làng làm sạch khu vực tiến hành lễ lấy đất, lấy nước và đường làng, ngõ xóm, nơi đoàn rước sẽ đi qua.

+ Chuẩn bị của Đội tế: trước lễ hội nhiều ngày, thậm chí cả tháng, chủ tế cùng đội tế bắt đầu tập luyện các nghi thức như kiểm soát lễ vật, tiến hương hoa nến, tiến rượu, tiến chúc văn...

+ Chuẩn bị của các gia đình: đồ lễ dâng cúng, tham gia các hoạt động rước lễ và vui chơi trong ngày hội.

+ Chuẩn bị lễ vật để dâng thánh thường làm hai loại: cỗ chay và cỗ mặn.

Cỗ chay: tượng trưng cho lương khô mà tướng Dương Tự Minh mang đi đánh giặc. Trước đây, từ trước Tết Nguyên đán, dân làng cử ra “anh thôn” (người trung tuổi - giống như cai đám ở miền xuôi, người có đủ tư cách tiếp cận với thần linh, nói dân nghe theo) phụ trách việc thông báo cho dân làng chuyện đóng góp, chuẩn bị cỗ, tổ chức ăn uống và chia lộc cho dân làng trong những ngày diễn ra lễ hội. Dân làng đóng góp gạo, mật để cùng làm bánh chay lễ Thánh (xưa gọi là bánh uôi hay bánh mật). Khi có nguyên liệu, dân làng chọn thanh niên (trai chưa vợ, gái chưa chồng) để nam xay, giã bột, nữ làm bánh, thể hiện tâm thức cha sinh mẹ dưỡng, cầu cho mùa màng được tốt tươi. Bánh chay thường gồm 7 loại: bánh dày, bánh mật/bánh uôi, bánh rán mật, bánh bìa, bánh chè lam, bánh khảo, bỏng nổ. Các loại bánh làm xong chia thành 8 phần và đặt vào 8 chiếc mâm bồng và đưa lên đền từ chiều mùng 5.

Hiện nay, việc làm bánh được chuẩn bị trước ngày hội vài ngày, do mọi người trong các gia đình tự làm, không chỉ trai gái (chưa vợ, chưa chồng) mới làm được. Có 5 thứ bánh: bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo, bánh rán và bỏng nổ. Các bánh làm thành hình vuông, bề dầy mười phân, bánh bỏng nổ tròn và to bằng quả bưởi... Bánh cũng được đặt vào tám chiếc mâm bồng, mỗi mâm đặt thành tám phần, mỗi phần đủ 5 thứ bánh mang dâng Thánh. Số bánh còn lại làm nhỏ để đặt vào các mâm cỗ mặn.

Cỗ mặn có hai loại: cỗ đại hạ và cỗ thờ. Cỗ đại hạ là cỗ để trai đinh cùng phường chạ ăn tại chỗ sau khi lễ. Cỗ thờ ngoài mục đích để cúng, còn là cỗ thi tài nghệ làm, xếp cỗ của các làng trong xã. Vì vậy, cỗ được làm đủ món và bày biện đẹp mắt để dân làng và phường chạ cùng chiêm bái. Thông thường, cỗ thờ gồm lợn quay (lễ vật không thể thiếu), xôi ngũ sắc được trang trí đẹp mắt.

Theo cụ Trung (sinh năm 1937) - trước làm thủ nhang ở đền, vào hội mùng 6 tháng Giêng và lệ 13 tháng Chạp, bao giờ dân làng cũng dâng cúng 12 con cá (nhất là cá chép) được mổ bỏ ruột, để vây, vẩy và nướng. Cụ cho biết, việc cúng cá là để tưởng nhớ đến việc tướng Dương Tự Minh chuyên mò cua bắt ốc nuôi mẹ ở sông Cầu (12 con cá tượng trưng cho 12 tháng); Có thể hiểu đây là hiện tượng liên quan đến tín ngưỡng thờ mặt trăng và ý thức cầu được mùa của cư dân nông nghiệp.

+ Lễ rước nước và rước đất

Mùng 5 tháng Giêng, dân làng làm lễ rước nước và rước đất. Xưa có hai địa điểm dân làng có thể đến rước nước về đền: thông thường đến giếng Dội, khi mưa gió, dân làng đến rước nước từ giếng ở chân núi gần đền (nay giếng đã bị lấp). Đất được lấy từ bãi bồi của cánh đồng Đuổm.

Người dân trong vùng cho rằng đây là vùng đất thiêng với núi thông thiên, giếng thông địa. Nước từ giếng Dội được coi là nguồn nước thiêng của mạch nguồn núi Đuổm. Trong những ngày lễ hội tháng Giêng nhân dân làng Đuổm và đồng bào các dân tộc trong vùng lại về đây rước hồn nước thiêng về đền Đuổm dâng cúng.

Sáng sớm ngày mùng 5 tháng Giêng các đoàn rước tề tựu đông đủ trước sân đền Đuổm để chuẩn bị đi rước đất, rước nước về đền Đuổm, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, dân làng may mắn bình an.

Đoàn rước nước, rước đất trước đây gồm những người đàn ông mặc áo the đen, quần trúc bâu trắng, đầu đội khăn xếp; nay, dân làng lựa chọn những cô gái người Tày đi rước; tiếp theo là đoàn người đội các mâm lễ dâng thần linh gồm một mâm quả còn, bên trong quả còn đựng các loại hạt giống, mâm xôi ngũ sắc, gà luộc, hoa quả…sản vật của dân bản; cuối cùng là chủ tế, bồi tế cùng nhân dân và du khách thập phương dự hội. Đoàn rước tập trung ở khu vực giếng Dội, nơi có miếu thờ Bà chúa giếng. Chủ tế thắp hương ở miếu thờ, làm lễ cáo yết trời đất, Thủy vương, Sơn thần, Thổ địa cùng chư vị thánh thần cho dân làng được rước hồn nước, hồn đất tại mạch nguồn linh thiêng này về đền Đuổm cúng lễ. Sau khi khấn xin rước nước, rước đất, chủ tế gieo quẻ âm dương để xin, nếu được mới tiến hành lấy.

Quan viên được làng cử ra lấy nước là người trung tuổi, có uy tín đối với người dân làng Đuổm. Nước được đựng trong hai ống bương to, tượng trưng cho ống bố và ống mẹ; múc bằng gáo làm từ ống tre nhỏ, cán là thân cây tre. Khi ống đầy nước được bịt lại bằng vải màu đỏ cầu mong sự may mắn, tốt lành. Các thiếu nữ dùng đòn gánh bằng thân tre gánh nước về đền.

Đất được lấy về là đất phù sa của dòng suối chảy quanh làng Đuổm. Người được cử ra lấy đất cũng phải là người có uy tín trong làng, có kinh nghiệm trong sản xuất và canh tác tốt. Đất được lấy bằng xẻng, người lấy đất xúc một xẻng đất màu mỡ đặt vào âu sành. Đất thiêng sau khi lấy xong được phủ đậy bằng miếng vải đỏ cầu sự may mắn.

Rước đất, rước nước là nghi lễ của đồng bào Tày ở Phú Lương cầu xin Mẹ đất, Mẹ nước phù hộ cho đất đai luôn màu mỡ, cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp người dân trong vùng có đủ đất, đủ nước sản xuất làm ăn, để cho cuộc sống quanh năm no đủ. Nghi lễ này nhằm tưởng nhớ đến Dương Tự Minh, người mồ côi cha từ nhỏ, phải kiếm sống bằng nghề câu cá để nuôi mẹ già nên nước có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời, tái hiện việc công chúa Thiều Dung và Diên Bình không chỉ giúp Ông an dân trị quốc, mà còn đảm đang hướng dẫn người dân làng Đuổm biết làm lúa nước để có cuộc sống ấm no.

Sau khi lấy nước và đất, chủ lễ làm lễ cảm tạ trời đất, Thủy vương, Sơn thần, Thổ địa cùng chư vị thánh thần đã ban linh địa, linh thủy cho dân làng Đuổm, bách tính gần xa một năm mới may mắn no đủ và xin rước về đền.

Đoàn rước nước, rước đất trở về, tập trung tại sân rồng đền Đuổm để làm các nghi thức cúng lễ. Chủ tế thực hành nghi lễ xin đưa nước thiêng, đất thiêng vào đền chính. Nước và đất được chủ tế rước đặt vào trong hậu cung của đền Trung. Nước thiêng được dùng làm lễ mộc dục (tắm bài vị, tượng thánh) và cho vào bát để thờ. Nước dùng cho lễ mộc dục không hết sau đó sẽ mang tưới vào các gốc cây to với mong muốn cây được thần linh bảo trợ để sinh sôi, phát triển. Cây cũng đại diện cho sự sống của người dân trong vùng nên hành động tưới nước thiêng cho cây là mong muốn của con người được tăng sinh lực cho chính họ và cây cối trong khu vực.

Trong tâm thức người dân, rước đất ở giếng Dội là xin đất thánh được thực hiện bắt nguồn từ việc xin đất ở đền về rải vào làng cho có sinh khí và cầu mong phát triển. Ngày nay, nhà nào trong làng khi làm nhà đều đến xin đất thánh ở đền về rải vào khu đất nhà mình cũng với mong muốn như vậy.

+ Lễ Mộc Dục

Nửa đêm ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng tổ chức lễ mộc dục, lễ tắm tượng, bài vị Dương Tự Minh. Tượng Thánh được tắm lần thứ nhất bằng nước rước về từ giếng Dội, lần thứ hai bằng nước ngũ vị đã chuẩn bị sẵn. Sau khi tượng Ngài tắm xong, nước ngũ vị được giữ lại để các vị chức sắc, hương lão nhúng tay, xoa vào mặt gọi là “hưởng ơn Thánh”; Mảnh vải đỏ bịt ống nước được xé nhỏ chia cho dân làng “lấy phước”, cầu may mắn, an lành, hạnh phúc.

+ Lễ tế Gia quan

Sau lễ mộc dục là lễ tế Gia quan, nghĩa là khoác áo mũ cho tượng Ngài, do người nhà đền đảm nhiệm và được thực hiện ngay sau khi làm lễ mộc dục.

+ Lễ rước lễ vật vào đền và Đại tế

Mùng 6 chính hội, đúng giờ Thìn, người dân các làng tổ chức lễ rước cỗ chay và cỗ mặn vào đền để làm lễ dâng hương tế Thánh. Khi ông thủ chỉ nổi trống, mọi người rước cỗ vào đền. Cỗ chay rước trước, cỗ mặn rước sau. Đoàn tế đi từ sân rồng lên theo bên phải của người tế và xuống bên trái. Việc di chuyển này có thể gắn với tục thờ mặt trời, cầu sinh lực và sức khỏe cho nhân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi.

Lễ Đại tế được bắt đầu sau khi rước cỗ vào đền, đây là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội đền Đuổm. Chủ tế có 02 bồi tế hỗ trợ để thực hành nghi lễ. Ngày xưa, văn tế được giữ ở đền Thượng năm này qua năm khác. Mỗi năm, vào dịp hội, chủ tế đọc văn tế cùng các tên hèm của Thánh. Ngày nay, nội dung bài văn tế ngắn gọn, chuyển tải tâm nguyện của mọi người dân đến với anh linh thánh Đuổm, cầu phúc, cầu tài, cầu bình an cho dân làng.

Khi tế xong, chủ tế sẽ cho người hóa bản có các tên hèm. Sau đó, nam giới làng Đuổm từ 18 tuổi trở lên ăn cỗ đại hạ tại đền. Ngoài quan viên, trai đinh còn có khách lễ thờ như: khách chạ Chào, chạ Đu v.v... cùng ăn cỗ tại đền. Hội đền Đuổm có truyền thống mời chạ các đền nơi khác đến dự hội, như đền Chào, đền Đu. Về chạ Chào, có truyền thuyết rằng, vào năm hội đền Đuổm, tà thần Thủy tề ở Chào đến quấy nhiễu, đức Thánh hiện lên giúp dân làng bắt tà thần. Dân làng Chào mất thành hoàng trở nên lục đục, trâu bò đi rừng không về, gia súc, gia cầm bị chết, bị bắt. Dân Chào dò la biết thánh làng mình bị bắt bèn làm lễ xin xá tội. Thánh Đuổm hiện lên, thị uy và ân xá cho thành hoàng Thủy tề và bắt dân Chào một năm 2 lần vào mùng 6 tháng Giêng và 13 tháng Chạp tới đền dâng lễ nhưng chỉ được ngồi ngoài sân, không được vào nội chính đền.

Sau khi ăn cỗ đại hạ, phần cỗ lễ được chia cho các chức dịch, từ ông chủ đến anh trưởng thôn tùy chức thấp, cao mà nhận nhiều ít.

Bên cạnh các nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội đền Đuổm còn có các trò chơi dân gian diễn ra tại khu ruộng ngay cạnh đền như: tung còn, đấu vật, kéo co, đánh cờ, bịt mắt bắt dê…, hay mời các gánh hát ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội về trình diễn trong sân đền.

Các đoàn trai gái tổ chức hát ví, hát sli, hát lượn. Buổi tối, dân làng mời các đoàn về nhà ăn uống và hát đối đáp suốt đêm. Nhà nào mời được càng nhiều người về, càng phấn khởi, vì đây cũng là mong muốn cầu được mùa của người nông dân.

Ngoài ra, lễ hội còn các hoạt động như: trưng bày sản vật địa phương của các xã, thị trấn trong huyện; thi sao chè của các xã vùng chè như: Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc; thi gói bánh chưng của 3 làng xã Cổ Lũng; thi giã bánh dày truyền thống của các xã Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý và Yên Trạch.

Lễ hạ điền, ngày 24 tháng Tư Âm lịch: trước đây, làng chọn ruộng của một gia đình trong làng để cấy lúa “gà gáy” (lúa cấy sớm nhất, chín sớm nhất), lấy gạo thổi cơm mới mang ra đền cúng. Sau đó, cơm được mang ra đồng cho người cấy lúa ăn. Lễ hạ điền thực chất là lễ đón mưa nhưng vào thời gian muộn như ở đây có lẽ mang tính địa phương của vùng bán sơn địa.

Lễ thượng điền, mùng 7 tháng Bẩy Âm lịch, là lễ tổng kết hết vụ cày cấy, dân rửa cày bừa cất đi. Lễ tất niên, ngày 13 tháng Chạp Âm lịch.

Lễ hội đền Đuổm có giá trị lịch sử to lớn, đánh dấu thời kỳ nhà Lý củng cố khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên miền núi. Lễ hội thể hiện sự suy tôn của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc đối với công lao to lớn của tướng Dương Tự Minh trong lịch sử. Các hiện tượng trong lễ hội ít nhiều gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Hơn nữa, lễ hội cũng là môi trường giáo dục hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, giúp tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng, giữa các thôn xóm, gia đình…

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017.



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3168325