Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hiệu quả từ hỗ trợ mô hình sinh kế để giảm nghèo ở Phú Lương

2024-03-12 08:23:00.0

Với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu, bò giống, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện Phú Lương thời gian qua đã mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

 Gia đình chị Vi Thị Lan, xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý chăm sóc trâu giống được hỗ trợ từ chương trình

Gia đình chị Vi Thị Lan, ở xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý thuộc diện hộ nghèo của xã Phủ Lý. Tháng 7/2023, gia đình chị được hỗ trợ một con trâu giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập. Sau khi nhận trâu giống, chị Lan chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y để trâu có thể phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, con trâu đã tăng trọng lượng, trưởng thành và phát triển rất tốt. Chị Lan cho biết: “Ban đầu do không có thu nhập, không có vốn, để đầu tư phát triển kinh tế gần như không thể, cuộc sống khó khăn. Khi tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ trâu để nuôi, lại được địa phương đưa đến tận nơi để lựa chọn trâu giống, gia đình tôi rất vui mừng nên cố gắng chăm sóc để con trâu phát triển, có vốn liếng phát triển kinh tế. Sau vài tháng nuôi hiện nay, con trâu của gia đình tôi rất khoẻ mạnh”. 


Cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và lãnh đạo xã thường xuyên kiểm tra trâu giống của các hộ gia đình

Cùng chung niềm vui với gia đình chị Lan, gia đình anh Vũ Mạnh Khu ở xóm Phú Thành, xã Hợp Thành cũng phấn khởi vì tháng 7/2023 được Nhà nước hỗ trợ cho một con trâu giống. Theo anh Khu: với lợi thế chuồng trại rộng, nguồn thức ăn sẵn có, chăn trâu phù hợp với điều kiện tại địa phương, nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể. Đối với những hộ nghèo như chúng tôi, được hỗ trợ trâu giống như này là rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho gia đình có thêm nguồn thu nhập, từ đó có thể thoát nghèo và phát triển kinh tế của gia đình


Các hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Phủ Lý vui mừng khi được hỗ trợ trâu giống

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết : “Năm 2023 huyện Phú Lương triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Theo đó, địa phương nhận 31 con trâu giống từ các dự án để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn”. Được biết, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, đến nay những con trâu giống được bàn giao cho người dân ở xã Phủ Lý đã sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ gia đình cũng nhờ đó mà tích lũy được kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong quá trình nuôi chúng tôi đã cử cán bộ thú y theo dõi chặt chẽ đối với các hộ nuôi, tiêm phòng định kỳ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cũng như cách chăm sóc trâu khi giao mùa…


Các hộ dân của xã Hợp Thành được hỗ trợ trâu giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023

Để tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi, những năm qua, huyện Phú Lương tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư, các dự án cấp phát, hỗ trợ trâu, bò giống cho người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Việc triển khai có hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, giúp người dân chăn nuôi hiệu quả. Thông qua các mô hình này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô để phát triển kinh tế gia đình.
Từ nguồn kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng, giai đoạn 2022 – 2023 huyện đã triển khai 8 dự án với 185 hộ dân được nhận hỗ trợ trâu bò, dê sinh sản. Chương trình hỗ trợ trâu, bò, dê giống cũng được triển khai hiệu quả ở các địa phương khác của huyện như: xã Hợp Thành, Yên Lạc, Yên Ninh, Yên Trạch, Động Đạt, Phủ Lý và Yên Đổ… 
Để việc triển khai các mô hình đa dạng sinh kế mang lại hiệu quả, trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, các địa phương lập danh sách, tổ chức bình xét các đối tượng để hỗ trợ. Ngoài ra, để vật nuôi bảo đảm có thể trạng tốt, trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Với phương pháp đó, trâu bò được nuôi một thời gian ở địa phương đã làm quen với khí hậu, thời tiết, thức ăn, nước uống... Đặc biệt huyện Phú Lương đã tổ chức cho các hộ dân được đến tận các trang trại, các địa điểm cung cấp con giống để tự lựa chọn con giống cho gia đình mình. Từ đó, đảm bảo khách quan khâu chọn con giống và để phù hợp với quá trình nuôi của từng gia đình.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Lương đã giảm đáng kể, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện ước đạt 52 triệu đồng/người/năm.
Có thể thấy, diện mạo nông thôn của huyện miền núi Phú Lương đang khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được tăng lên. Qua đó, cho thấy Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo. Để làm được điều đó. huyện Phú Lương tiếp tục tập trung nguồn lực để hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất để hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.

Bài, ảnh: Lan Anh, Thanh Tuấn



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3169532