Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Giới thiệu giải pháp sinh học SOFIX cho cây trồng và cải tạo đất

2024-03-07 19:15:00.0

Quang cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; các cơ quan, đơn vị, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo, Giáo sư Kubo Mutoki, Trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản đã giới thiệu về giải pháp sinh học SOFIX cho cây trồng và cải tạo đất. Theo đó, SOFIX có nguyên lý sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Có thể hiểu, SOFIX là công nghệ hài hòa vật chất hữu cơ và vi sinh vật giúp nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, SOFIX giúp chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả ở Nhật Bản, áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Việc canh tác hữu cơ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; giảm chi phí sản xuất từ 20 - 30% bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đồng thời, chất lượng nông sản cũng tăng lên.

Giáo sư Kubo Mutoki, Trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản giới thiệu về giải pháp sinh học SOFIX cho cây trồng và cải tạo đất

Các đại biểu đã trao đổi về việc áp dụng giải pháp công nghệ sinh học SOFIX cho cây trồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung cho cây chè; đồng thời mong muốn sớm triển khai thử nghiệm công nghệ SOFIX trên một số diện tích trồng chè, từ đó đưa ra những đánh giá cụ thể về công nghệ này.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã thăm quan mô hình sản xuất, chế biến chè của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên có trên 22 nghìn ha chè, năm 2023, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267 nghìn tấn; tỷ lệ giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổng diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, UTZ Certified là 5.159 ha. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 127 ha chè áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó diện tích được cấp chứng nhận đạt 80 ha. Tỉnh phấn đấu trong năm 2024 tiếp tục triển khai hỗ trợ sản xuất và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thêm 40 ha. Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3168994